Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Julie ...

Phạm Duy , Duy Cường , Duy Hùng và Julie ...
Tôi được xem Julie Quang hát lần đầu tiên ở quán Thằng Bờm vào năm 1970. Hôm đó toàn ban The Dreamers gồm có Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường cùng hai chị em Julie và Ali. Thuở đó, Julie có cái nghệ danh là Julie Quang vì cô là vợ của Duy Quang. Ali là em gái của cô. Hôm đó, nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu toàn ban Dreamers và hai chị em Julie. Anh ân cần bảo khán thính giả: - Đây là các con tôi. Tôi sinh ra chúng, còn nuôi dưỡng nghệ thuật chúng là nhờ quý vị. Hôm đó Julie hát bài “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy (lời phỏng theo ý thơ của Apollinaire). Tiếng hát cô khàn và ấm, phơn phớt một chút nũng nịu đã chinh phục ngay khán thính giả trong quán Thằng Bờm tối hôm đó. Cô là người lai Ấn, màu da sậm, thân mình thon dẻo, xương cốt thanh tú. Cô trang điểm gượng nhẹ, môi tô son màu nâu hồng. Chiếc xiêm màu lông chuột, theo giai điệu ton-sur-ton với chiếc áo sơ-mi ngắn tay và hở cổ màu đen. Cô có cái dáng đứng thật yểu điệu trước máy vi âm, giống như dáng đứng của nữ tài tử Ava Gardner ở Hoa-lệ-ước hay như dáng đứng của nữ ca sĩ Tuyết Hương (trong ban Tam Ca Ba Trái Táo) trong ca trường nhạc giới xứ mình. Tôi không ngờ ít lâu, Julie nổi danh như cồn. Dĩa hát có bài “Mùa Thu Chết” của cô bán chạy thật nhanh. Đi đâu, tôi cũng nghe thiên hạ nghêu ngao mấy câu đầu của điệp khúc bài “Mùa Thu Chết” được sửa thành lời trào phúng. Không hiểu bắt gặp được cảm hứng gì đặc sắc. Nhạc sĩ Châu Kỳ liền đó sáng tác bài “Mùa Thu Không Chết” để Julie hát thâu vào dĩa nhựa với ba giọng phụ họa của Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà. Dĩa này cũng bán chạy không kém. Nhưng bài “Mùa Thu Không Chết” ại không được phổ biến dù nó dễ hát đi nữa. Nhà văn Lê Xuyên trong một cuộc phỏng vấn cho biết: - Vì bận quá nên tôi không theo dõi sinh hoạt ca nhạc nhưng tôi thích giọng hát của cô ca sĩ tên gì tôi quên mất rồi, nhưng tôi chỉ nhớ cô ta là dâu của nhạc sĩ Phạm Duy, cô ta hát bài “Mùa Thu Chết” rất hay. Nhờ giọng hát Julie mà bài “Mùa Thu Chết” nổi tiếng. Về sau có rất nhiều ca sĩ hát bài nầy như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Hoàng Cầm (nhỏ), nhưng chỉ có Cathy Huệ là hát nổi bật hơn. Tiếng Cathy Huệ cũng khàn như tiếng Julie, nhưng đặc sánh hơn, khi lên cao trầm thống hơn, banh gan xé ruột hơn khi cô ta cất tiếng gào. Vào năm 1970, tôi có đến cư xá Chu Mạnh Trinh để mở cuộc phỏng vấn Julie và Duy Quang cho số giai phẩm Bông Hồng do Phòng Văn Nghệ của Cục Tâm Lý Chiến bỏ vốn ra in. Tôi gặp Julie vừa ngủ thức dậy, tóc chải sơ sài, áo bà ba vải phin trắng, quần sa teng tuyết nhung đen. Cô có vẻ nhợt nhạt. Cô nói năng lễ phép, nhưng có vẻ đăm chiêu xa vắng. Rồi có một dạo ban The Dreamers vắng bóng Julie, chỗ trống đã có Thái Hiền thay thế. Có tin đồn rằng cặp Duy Quang và Julie đã rã đám rồi. Julie qua bên Pháp để băng bó vết thương lòng. Nhưng Thái Hiền thuở vừa mới lớn, tiếng hát nhọn hoắc và the thé, chưa đủ vẻ gợi cảm rất đàn bà. Phải đợi lúc cô trở thành thiếu nữ trên đất nước Hoa Kỳ, giọng cô mới thập phần mê hoặc. Tôi gặp lại Julie vào năm 1978 tại thành phố Gennevilliers. Lúc đó cô đã bảo lãnh Duy Quang qua Pháp và cả hai chuẩn bị qua Mỹ để sum hiệp với vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy. Giữa cô và tôi có nhiều chuyện nói về thành phố Mulhouse, thuộc vùng Alsace, gần biên thùy Pháp và Thụy Sĩ. Tại thành phố đó, mẹ và các em cô hiện đang cư ngụ và cũng là nơi tôi ở suốt bốn tháng từ khi vừa đặt chân đến nước Pháp. Vào năm 1978, Julie có làn hơi thật phong phú. Khi cô hát bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của Nguyễn Đình Toàn, cô ngân nga khá dài và khá mướt. Trong một chương trình văn nghệ bỏ túi vào mỗi tối thứ bảy tại Quán Trúc của nhóm Quê Mẹ, tôi có đề nghị Julie: - Hồi chưa ra hải ngoại, Duy Quang có phổ nhạc bài thơ “Vu Quy” của Trần Thị Tuệ Mai, Julie hát bài này thành công lắm. Vậy tối nay, Julie hãy hát lại bài đó, cho mọi người thưởng thức. Julie bảo: - Em quên lời hát rồi. Ở đây bừng bừng khí thế đấu tranh, hát bài đó chắc không hợp. Và cô cười buồn: - Vả lại, em có chồng có con rồi, còn gì nữa mà vu quy? *** Julie có màu da sậm, nhưng nét mặt cô có nhiều đường nét thanh tú: sóng mũi thẳng, khuôn mặt trái soan, lưỡng quyền rõ nét nhưng không cao, cặp môi đầy đặn và gợi cảm, vóc mình khi cô bắt đầu nổi tiếng hãy còn thon thả, dẻo dai và rất thanh cảnh. Tùy theo quan niệm mỗi người về cái đẹp, nếu ai chuộng màu da sẫm tối và thích ăn bánh ích lá gai đen như mun thì cho rằng Julie đẹp nồng mặn. Đáng tiếc là cô không có sắc hồng chói lọi trên khuôn mặt, lại nữa tóc cô không mềm nhuyễn và óng ả vóc tơ và mịn màng vóc lụa nên cô mất đi ít nhiều cái tươi tắn rạng rỡ ở sắc diện. Pauline Ngọc vốn lai da đen, khi trang điểm và ăn diện theo người có nước da trắng trở nên chướng mắt. Riêng Julie khi còn ở nước Pháp mỗi khi lên sân khấu giồi phấn hồng đào, tô son tía ửng hồng, đánh phông mắt màu xanh lông chim công lại nổi bật lên dưới ánh đèn sân khấu. Trên sân khấu, cô mặc áo dài xanh thẫm in bông linh lan trắng đã đẹp, còn ở ngoài đời cô diện Âu phục cũng gợi cảm. Vóc mình cô rắn chắc dẻo dai làm người đối diện có cảm tưởng cô mặc áo kiểu gì cũng đẹp, chỉ trừ về phương diện màu sắc. Giọng hát của Julie tự bản chất là giọng trong trẻo. Nhưng cô tập hát bằng giọng ngực nên giọng mới khàn khàn. Đó giống như trường hợp của Mỹ Hoà. Cũng như Mỹ Hoà, khi hát bằng giọng ngực Julie không có một trở ngại nào, không làm người nghe có cảm tưởng ran ran ở ngực. Đã vậy, cô ngân nga khá trôi chảy. Cái nũng nịu trong lúc cô hát bằng giọng ngực không quá lộ liễu vì âm sắc khàn khàn của giọng quyến rũ thính giả mạnh hơn. Về sau này, cô hát bằng giọng trong, cái nũng nịu đó hiện rõ mồn một. Cho nên giống Kiều Nga, cô làm cho thính giả không mấy hứng khởi ở chỗ ỏng ẹo điệu đà hơi quá trớn. Các bạn nghĩ gì về chân dung giọng hát của Julie? Tiếng hát của Julie là tiếng hát nhớ nhung tiếc nuối một bóng hình đã xa, một dĩ vãng đã khuất, một mối tình tưởng đã vùi chôn trong hố thẳm của thời gian nhưng thật ra còn sống mãi trong cõi lòng người cô phụ. Ra hải ngoại, Julie hoạt động khá nhiều. Theo lời của Trường Kỳ trong quyển một của bộ “Tuyển Tập Nghệ Sĩ” thì: Ngoài những băng nhạc đã phát hành từ những năm 1970, Julie còn xuất hiện trên Video Thanh Lan và CD, nổi bật nhất trên thị trường là CD “Ngàn Năm Vẫn Đợi”. Julie còn là nhạc sĩ sáng tác, những nhạc phẩm “Anh Tuyệt Vời”, “Ngàn Năm Vẫn Đợi” (viết chung với Khúc Lan…) đã được giới yêu nhạc hâm mộ… Trong cuốn băng hình của Trung tâm Asia với chủ đề “Tác Giả & Tác Phẩm” (Đêm Sài Gòn 6), Julie hát bài “Nửa Hồn Thương Đau” của Phạm Đình Chương (phỏng theo ý bài thơ của Thanh Tâm Tuyền). Cô mặc chiếc rope xẻ đùi hở ngực bằng nhung đen, chỗ hở ngực được che nửa kín nửa hở bằng những sợi nhung to đan theo mặt lưới. Cô chải tóc bồng và xõa tóc tới vai, đeo găng tay bằng nhung đen, đeo các món nữ trang lóng lánh như những giọt sương đọng trên lá cây ngọn cỏ phản chiếu nắng mai. Cô trang điểm rất thạo, phấn màu tái, son môi nâu ửng tía; đó là màu trang điểm dành cho người có màu da sậm. Trong cuốn băng hình Asia Video 11 với chủ đề “Thơ Và Nhạc”, Julie xuất hiện ở tiết mục đơn ca bài “Người Đi Qua Đời Tôi” cũng của Phạm Đình Chương (phổ thơ của Trần Dạ Từ). Cô mặc chiếc robe bằng the màu bùn non ửng tím như màu vỏ củ ấu, áo có những nếp dúng, nếp xếp mềm mại trông rất sang. Trong hai màn đơn ca ở hai cuốn băng hình này, Julie hát bằng giọng ngực. Dù tiếng hát trầm ấm và gợi cảm, nhưng cô không ngân nga được dễ dàng như xưa. Tuy nhiên trong các băng nhạc, cô hát bằng giọng trong, cô ngân nga khá nhuyễn, khá dịu dàng và óng ả.

Hồ Trường An (Chân Dung Những Tiếng Hát)


Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Jo Marcel with wife

Jo Marcel và người vợ đầu nữ ca sỹ Như An
Jo Marcel là một trong những tên tuổi lẫy lừng nhất trong thế giới âm thanh, đã một thời làm mưa làm gió tại Việt Nam vào những thập niên 60 và 70. Vào nghề từ những năm đầu của thập niên 60 khi hát với một ban nhạc do một người Pháp làm nhạc trưởng tại nhà hàng La Galère, trong khách sạn Caravelle dưới tên Ngọc Minh. Jo - tên thật là Vũ Ngọc Tòng, sinh ở Hà Nội, mới bước vào lớp tuổi 60 - nổi bật từ năm 67 trở đi khi đứng ra khai thác vũ trường Chez Jo Marcel (sau đó là Đêm Màu Hồng) trên đường Nguyễn Huệ.. Trước đó có một thời gian anh cộng tác với vũ trường Baccara, hợp với Như An thành một cặp song ca nổi tiếng trong những nhạc phẩm ngoại quốc thuộc loại “easy listening”. Jo là một nghệ sĩ có nhiều sáng kiến trong địa hạt tổ chức cũng như trong lãnh vực âm thanh. Ngoài tài ca hát với một giọng ca trầm ấm và đầy truyền cảm rất được khán giả mến chuộng qua những nhạc phẩm đặc sắc như: Mộng Dưới Hoa, Ai Về Sông Tương,vv...và đặc biệt là những nhạc phẩm lời Pháp như: Merci Chérie, Les Neiges Du Kilimandjaro, Fais la Rire, Capri C'est Fini, Et Pourtant, vv... đã làm ngất ngây biết bao tâm hồn yêu nhạc. Anh còn được mệnh danh là một tay “phù thủy âm thanh” khi đưa ra nhiều sáng kiến trong việc kết hợp, điều chỉnh hoặc bổ túc âm thanh trong những chương trình ca nhạc cũng như những băng nhạc do anh thực hiện. Những băng nhạc mang nhãn hiệu Jo Marcel đã một thời tung hoành trên thị trường ca nhạc Việt Nam với những giọng ca tên tuổi như: Lệ Thu, Anh Khoa,vv..Nhờ tài biến chế, anh đã thực hiện được một hệ thống “écho” (tạo tiếng vang) đầu tiên tại Việt Nam bằng những tape deck cũ, đặc biệt với nhãn hiệu Sony. Trong cùng thời kỳ này anh khai thác vũ trường Ritz vào năm 69, một thời gian sau khi thực hiện những chương trình ca nhạc Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Với óc tổ chức khéo léo anh được coi là một trong những người khai thác vũ trường thành công nhất tại Việt Nam. Jo cũng đã cùng một số bạn bè kết hợp thành nhóm Jo Marcel (với Jo Marcel, Trường Kỳ, Nam Lộc) thực hiện 2 cuốn phim ca nhạc và tuổi trẻ với những phương tiện thô sơ nhất nhưng đã gặt hái được một thành công đáng kể. Cuốn phim đầu tiên là “Thế Giới Nhạc Trẻ” với các diễn viên tài tử Minh Lý và Đan Thành, xen lẫn với những màn trình diễn của những ban nhạc trẻ được biết đến nhiều thời đó là The Hammers, The Peanuts Company, Phượng Hoàng, The Enterprise, vv... Cuốn phim thứ nhì là “Vết Chân Hoang”, phỏng theo phóng sự tiểu thuyết “Tuổi Choai Choai” (tức “Tuổi Lang Thang) của Trường Kỳ. Jo khi còn ở Hà Nội theo học trường Puginier, vào Sài Gòn năm 54 tiếp tục theo học tại trường Taberd cho đến hết bậc trung học. Jo Marcel rời Việt Nam năm 75. Sang tới Mỹ anh vẫn tiếp tục hoạt động về ca nhạc, song song với việc khai thác một garage, nhờ có năng khiếu về máy móc. Qua đến giữa thập niên 80 anh được thu nhận vào làm việc cho cơ quan USCC tại Los Angeles cho đến nay. Hiện anh cũng cư ngụ tại thành phố này. Vào năm 95, anh tuyên bố giải nghệ khi đã thực hiện riêng cho mình một số băng nhạc, tuy nhiên vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những buổi trình diễn đặc biệt như trong những “Đêm Hội Ngộ Nhạc Trẻ” tổ chức tại nam California hàng năm hay trong những buổi tổ chức văn nghệ có tính cách từ thiện. Tuy Jo Marcel gần như ngưng hẳn hoạt động, nhưng chắc chắn tiếng hát của anh vẫn còn ghi đậm nét nơi những người yêu nhạc và những khán thính giả từng lui tới những vũ trường của Sài Gòn dạo nào...
:::Trường Kỳ:::

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Pink Night club 1973


Christiane Lê, Lê ToànMinh Hải, Tường Nga, Lê Trí during a Matinée 'Hippy-A-Gogo'